close

BỎ TÚI BÍ KÍP LÁI XE Ô TÔ ĐƯỜNG ĐỒI NÚI

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm nay kéo dài là cơ hội tuyệt vời để các gia đình lên kế hoạch cho một chuyến du lịch. Việc lựa chọn di chuyển bằng xe tự lái là ưu tiên hàng đầu của các gia đình trong dịp nghỉ lễ này để chủ động đi lại và khám phá. Trong quá trình di chuyển đó, người lái có thể sẽ phải đi qua những cung đường đồi núi đầy thách thức và nguy hiểm. Để có một kỳ nghỉ vui vẻ và trọn vẹn, các chuyên gia kỹ thuật VAD chia sẻ tới độc giả 07 bí quyết lái xe ô tô đường đồi núi đáng chú ý.

1. Kiểm tra xe trước khi xuất phát

Hãy bảo đảm dầu hệ thống truyền động và dầu phanh vẫn còn sử dụng được. Kiểm tra tình trạng lốp xe để chắc chắn rằng lốp xe còn đủ gai lốp. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra hệ thống đèn điện và tình trạng của lốp dự phòng. Mang theo mình dụng cụ như kích, tuýp tháo bánh xe, bơm,….để thay thế hoặc xử lý khi xe gặp vấn đề trên đường. 
Để tránh những tình huống không mong muốn, chủ xe có thể dự trữ một số vật tư, dụng cụ như nước rửa kính, nước làm mát, bình ắc-quy và dây câu để giúp cho mình hoặc người khác khi tham gia lái xe trên những cung đường đồi núi.

2. Nắm chắc kỹ thuật lái xe khi đi đèo dốc

Nếu ít đi ở cung đường đèo dốc, trước khi đi bạn có thể ôn tập lại kỹ năng đánh lái khi vào cua như “tiến ôm lưng, lùi ôm bụng”,… và sử dụng chân côn, phanh, ga nhịp nhàng hợp lý.
Hãy tự ước lượng độ gấp của khúc cua bởi nó sẽ giúp bạn đánh lái để vượt qua khúc cua, tránh rơi vào trường hợp xe bị tròng trành hoặc vượt quá phần đường quy định. Luôn làm chủ tốc độ, giảm tốc độ khi vào cua, đi đúng phần đường và giữ khoảng cách an toàn với các xe nhất là với các xe chở hàng hóa cồng kềnh.
Đặc biệt, tuyệt đối không được sử dụng một tay để điều khiển vô lăng vì điều này vô cùng nguy hiểm đối với xe chạy ở các khúc cua đường đối núi bởi khi đó yêu cầu bạn phải có lực giữ vô lăng lớn và kiểm soát tay lái tốt hơn. 

3. Nguyên tắc khi leo đường dốc

Để đảm bảo an toàn khi lái xe leo dốc đó là luôn làm mát động cơ. Và để làm mát xe, bạn hãy đỗ xe ở một nơi trống trải và để xe chạy không tải, lưu ý là không được tắt máy và mở nắp két nước.:

  • Trường hợp điều khiển xe số sàn (MT) thì hãy di chuyển xe với số thấp 1,2 hoặc 3 cho phù hợp tùy vào tốc độ xe và độ dốc
  • Trường hợp điều khiển xe số tự động (AT) Ngoài việc sử dụng số ”D”, tùy vào tốc độ xe và độ dốc có thể lựa chọn chuyển sang số thấp hoặc chế độ số tay.

4. Nguyên tắc khi xuống dốc

Việc rà phanh liên tục khi xuống dốc sẽ làm tăng khả năng sinh nhiệt dễ dẫn đến làm cháy má phanh, dầu phanh nhanh sôi làm mất đi hiệu quả phanh của xe. Do đó khi lái xe thì bạn chỉ nên dùng phanh khi thực sự cần thiết và hãy tận dụng khả năng hãm tốc của động cơ bằng cách điều chỉnh lựa chọn sử dụng số thấp khi xuống dốc.

5. Lưu ý trọng tải của xe

Việc chở quá tải sẽ gây nên rất nguy hiểm khi di chuyển ở khu vực đồi núi. Bạn không nên chở quá số người và hàng hóa theo quy định. Khi xuống dốc, xe sẽ chạy theo quy tắc “càng nặng càng lao nhanh”. Nếu bạn vi phạm tải trọng thì khi xuống dốc ô tô sẽ bị tăng thêm lực quán tính và lao nhanh hơn so với thông thường.
Tình huống này gây ra tác động vô cùng xấu tới hệ thống phanh. Thậm chí nếu phanh hoạt động không tốt thì có thể phát sinh tai nạn, cực kì nguy hiểm đối với người sử dụng xe.

6. Chú ý đến hệ thống biển cảnh báo

Vùng địa hình nhiều đồi núi luôn tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm mà bạn không thể lường trước được. Do đó, bạn cần luôn để ý đến những biển báo trên đường như: Khu vực hay có đất đá rơi, độ dốc cao, nhiều khúc cua,... để điều khiển xe phù hợp. Và luôn sử dụng còi xe ở những khúc cua để cảnh báo cho phương tiện từ hướng ngược chiều.

7. Cách lái xe khi thời tiết xấu

Nếu di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu thì bạn nên đi với tốc độ chậm và cần thường xuyên quan sát bên ngoài nhiều hơn. Trong trường hợp nhiều sương mù thì hãy bật đèn cảnh báo nguy hiểm và đi theo vạch kẻ đường để điều khiển xe tốt hơn. Trong trường hợp trời mưa lớn thì tìm một nơi trống trải để đỗ xe.

1